Hiện nay, thương mại hàng hóa đang ngày càng phát triển với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, để ngăn chặn việc các doanh nghiệp cá nhân và nhà thầu nước ngoài hưởng toàn bộ lợi nhuận và doanh thu từ Việt Nam mà không phải trả thêm phí từ hoạt động kinh doanh, thuế FCT đã được ban hành. Vậy thuế FCT là gì, cách tính thuế FCT ra sao và ai sẽ là đối tượng chịu thuế TTĐB? Hãy cùng Công ty TNHH Kế toán Minh Minh tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Thuế FCT là gì?
Thuế nhà thầu (FCT) là một loại thuế áp dụng cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo luật Việt Nam) có thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ hoặc dịch vụ kèm theo hàng hóa tại Việt Nam. Thuế FCT không độc lập mà đi kèm với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoặc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các khoản chi trả cho nhà thầu nước ngoài.
2. Đối tượng chịu thuế nhà thầu FCT
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 08 năm 2014, đối tượng chịu thuế nhà thầu bao gồm:
- Các tổ chức nước ngoài kinh doanh có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú hoặc không cư trú tại Việt Nam (gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam dựa trên hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam dựa trên hợp đồng ký với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó vẫn giữ quyền sở hữu đối với hàng hóa hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa, hoặc ấn định giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp ủy quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo quy định pháp luật về thương mại.
3. Các phương pháp nộp thuế FCT là gì?
3.1 Phương pháp khấu trừ
Theo phương pháp này, nhà thầu nước ngoài phải thực hiện các thủ tục như doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm đăng ký, kê khai và nộp thuế GTGT, cũng như nộp tờ khai thuế TNDN và GTGT. Phương pháp khấu trừ sẽ áp dụng cho các nhà thầu nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau:
- Là đối tượng cư trú thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên, theo hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ.
- Thực hiện chế độ kế toán của Việt Nam, hoàn tất tờ khai đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng, bên phía Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế địa phương về việc nhà thầu nước ngoài sẽ nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Nếu nhà thầu nước ngoài có nhiều hợp đồng, trong đó có một hợp đồng đáp ứng đủ điều kiện và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, thì các hợp đồng còn lại cũng phải áp dụng phương pháp này.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài sẽ nộp thuế suất 20% trên tổng lợi nhuận.
3.2 Phương pháp ấn định tỷ lệ
Nhà thầu nước ngoài áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ để nộp thuế sẽ không cần thực hiện các thủ tục như phương pháp khấu trừ, tức là không cần đăng ký kê khai, nộp thuế GTGT và tờ khai thuế TNDN, GTGT. Phía Việt Nam sẽ trực tiếp khấu trừ theo tỷ lệ đã được xác định trên tổng doanh thu chịu thuế. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại hình hoạt động mà nhà thầu nước ngoài thực hiện. Phần thuế GTGT bị khấu trừ này thường được coi là thuế GTGT đầu vào và được khấu trừ trong tờ khai thuế của phía Việt Nam.
Nhà thầu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khai thác, thăm dò, sản xuất và phát triển dầu khí, nộp thuế theo phương pháp xác định tỷ lệ sẽ có quy định riêng.
3.3 Phương pháp hỗn hợp
Trong phương pháp này, thuế GTGT được kê khai theo phương pháp khấu trừ, tức là lấy thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào theo quy định. Còn thuế TNDN sẽ được tính trực tiếp trên tổng doanh thu chịu thuế theo tỷ lệ ấn định. Những đối tượng áp dụng phương pháp này cũng giống như phương pháp khấu trừ.
4. Hướng dẫn cách tính thuế nhà thầu FCT là gì?
4.1 Thuế nhà thầu theo giá Net
Khi một doanh nghiệp hoặc nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với một công ty tại Việt Nam, giá trị hợp đồng chưa bao gồm thuế được gọi là giá Net. Để tính thuế nhà thầu theo giá Net, chúng ta trước tiên tính thuế TNDN, sau đó là thuế GTGT.
Thuế nhà thầu cần nộp = Thuế GTGT + Thuế TNDN
Trong đó:
Thuế TNDN:
- Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu chưa bao gồm thuế TNDN / (1 – tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế)
- Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
Thuế GTGT:
- Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT / (1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu)
- Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
4.2 Thuế nhà thầu theo giá Gross
Khi một doanh nghiệp hoặc nhà thầu nước ngoài và một công ty tại Việt Nam ký kết hợp đồng, giá trị hợp đồng đó bao gồm cả thuế, được gọi là thuế nhà thầu theo giá Gross. Để tính thuế nhà thầu theo giá Gross, trước tiên ta tính thuế Giá trị gia tăng, sau đó tính thuế TNDN.
Thuế nhà thầu phải nộp = Thuế GTGT phải nộp + Thuế TNDN phải nộp
Cụ thể:
- Thuế GTGT = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
- Thuế TNDN = (Giá trị hợp đồng – Thuế GTGT) x Tỷ lệ thuế TNDN
5. Những lưu ý khi tính thuế nhà thầu mà kế toán cần nhớ
- Kế toán cần biết rằng doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền mà nhà thầu nhận được từ việc cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, trước khi trừ các khoản thuế mà nhà thầu phải nộp. Doanh thu này bao gồm tất cả các chi phí mà phía Việt Nam trả thay cho nhà thầu nước ngoài như chi phí liên quan đến chỗ ở, nơi làm việc cho nhân viên của nhà thầu,…
- Khi xử lý loại thuế này, kế toán cần đặc biệt chú ý đến việc tính thuế theo giá nào (giá net hay giá gross) và điều này được quy định rõ ràng trong hợp đồng giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ nước ngoài. Nếu phía Việt Nam trả tiền cho nhà thầu nước ngoài theo giá NET, kế toán cần phải quy đổi ngược (gross up) để xác định đúng doanh thu thuế.
- Nếu nhà thầu nước ngoài cần ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một phần công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng nhà thầu, thì doanh thu thuế của nhà thầu nước ngoài sẽ không bao gồm giá trị công việc được giao cho nhà thầu phụ thực hiện.
- Mã số thuế của nhà thầu nước ngoài gồm 10 số, là mã số thuế do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp để phục vụ cho quá trình tính và nộp thuế tại Việt Nam.
>> Xem thêm: HƯỚNG DẪN HẠCH TOÁN THUẾ NHÀ THẦU THEO THÔNG TƯ 200
Trên đây là những điều mà kế toán cần lưu ý khi xử lý thuế nhà thầu (FCT). Nếu Quý khách cần tư vấn và hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ với đội ngũ chuyên gia của Công ty TNHH Kế toán Minh Minh qua Hotline 0973.53.59.56 Chúng tôi cam kết hỗ trợ khách hàng nhanh chóng.