Last updated on Tháng Tư 17th, 2023 at 02:37 chiều
Hiện nay, nhiều cá nhân và tổ chức muốn thành lập công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu về tín dụng. Nhưng điều kiện thành lập công ty tài chính cũng như hồ sơ và thủ tục khá phức tạp. Bởi đây là loại hình công ty đặc thù, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.
1. Công ty tài chính là gì?
Công ty tài chính là một hình thức tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Loại hình tổ chức tín dụng này được thực hiện một số hoạt động như ngân hàng. Đó là: nhận tiền gửi của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng (bao gồm tổ chức trong nước và nước ngoài).
Nhưng công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi của cá nhân. Đồng thời công ty tài chính cung không được cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Các loại hình công ty tài chính theo quy định của Nghị định 39/2014/NĐ-CP là:
– Công ty tài chính bao thanh toán: Hoạt động chính trong lĩnh vực bao thanh toán.
– Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng: Hoạt động chính trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
– Công ty cho thuê tài chính: Hoạt động chính là cho thuê tài chính.
2. Điều kiện thành lập công ty tài chính
Điều kiện thành lập công ty tài chính về vốn
Điều kiện thành lập công ty tài chính đầu tiên là cần có số vốn pháp định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mức vốn này được quy định theo từng thời kỳ, dựa trên tình hình kinh tế của đất nước và các vấn đề liên quan khác liên quan. Hiện nay mức vốn pháp định mà pháp luật khi thành lập công ty tài chính là 500 tỷ đồng.
Điều kiện thành lập công ty tài chính về cổ đông
– Cổ đông là cá nhân
+ Cổ đông cá nhân phải mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật.
+ Cổ đông không phải là đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
– Cổ đông là tổ chức
+ Tổ chức phải được thành lập theo đúng quy định của pháp luật.
+ Trước khi nộp hồ sơ xin thành lập công ty tài chính, tổ chức đã hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tục.
+ Tổ chức đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội và thuế theo quy định cho đến ngày nộp hồ sơ thành lập công ty tài chính.
+ Tổ chức có tổng tài sản tối thiểu là 1000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước ngày nộp hồ sơ thành lập công ty tài chính.
+ Tổ chức là ngân hàng thương mại thì có thêm một số điều kiện khác, và tổng tài sản tối thiểu cần đảm bảo là 100.000 tỷ đồng.
3. Thủ tục thành lập công ty tài chính
Cá nhân/tổ chức chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:
– Đơn xin cấp Giấy phép.
– Bản điều lệ và phương án hoạt động của công ty.
– Danh sách sáng lập viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc của công ty, kèm theo lý lịch, chứng chỉ về chuyên môn.
– Phương án góp vốn điều lệ của công ty tài chính, kèm theo danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn.
– Đối với các cổ đông là tổ chức: cần các tài liệu chứng minh tình hình tài chính, giấy phép thành lập; giấy xác nhận số vốn điều lệ và số vốn thực có tại năm tài chính hiện hành; văn bản cử người đại diện pháp nhân của tổ chức; báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Các bước trong thủ tục thành lập
Bước 1: Lập Ban trù bị của công ty để làm việc với các cơ quan chức năng.
Bước 2: Ban trù bị nộp hồ sơ thành lập công ty trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước
Bước 2: Trong vòng 30 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ. Đồng thời yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ.
Bước 3: Trong vòng 90 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập công ty tài chính. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.
Bước 4: Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập công ty tài chính, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định và nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận đã nhận đầy đủ văn bản.
Bước 5: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Khi đã được cấp giấy phép, công ty tài chính cần làm các thủ tục tiếp theo như với các doanh nghiệp khác:
– Công bố nội dung đăng ký công ty.
– Xin giấy phép đủ điều kiện cung ứng dịch vụ tài chính.
– Khắc dấu pháp nhân của công ty và đăng ký mẫu dấu với Sở kế hoạch đầu tư.
– Mở tài khoản ngân hàng và thông báo tài khoản ngân hàng tới cơ quan thuế.
– Đăng ký thuế, mở mã số thuế và nộp thuế môn bài năm đầu tiên.
– Treo bảng hiệu tại địa chỉ trụ sở công ty tài chính.
– Đăng ký mua chữ ký số để thuận tiện trong mọi giao dịch suốt quá trình hoạt động. Đây cũng là yêu cầu của các cơ quan quản lý để nộp các báo cáo như thuế, thống kê.
Như vậy, điều kiện thành lập công ty tài chính rất nhiều và khá khó khăn. Bộ hồ sơ đầy đủ và các bước thực hiện thủ tục cũng phức tạp. Các cá nhân/tổ chức nên sử dụng dịch vụ của những đơn vị chuyên nghiệp để tiết kiệm thời gian, đảm bảo thành công khi xin giấy phép. Công ty TNHH Tư Vấn Minh luôn hỗ trợ quý khách xin giấy phép để hoạt động trong lĩnh vực tài chính.